Content
NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI SỐNG CHUNG VỚI NGƯỜI BỊ VIÊM GAN VIRUS
Viêm gan là căn bệnh xuất hiện khi gan bị tổn thương, gây ra bởi các siêu vi-rút viêm gan A, B, C, D, E. Viêm gan còn lây truyền qua nhiều đường khác nhau như: đường truyền máu, quan hệ tình dục, từ mẹ sang con hoặc thói quen ăn uống, sử dụng các thực phẩm ôi thiu, không đảm bảo chất lượng.

PHÂN LOẠI VIÊM GAN
Hiện viêm gan được chia thành 2 nhóm chính: viêm gan cấp tính và viêm gan mãn tính. Mỗi loại đều có mức độ nguy hiểm và truyền nhiễm khác nhau:
Viêm gan cấp tính: Thời gian phát bệnh ngắn và phục hồi nhanh. Những người bị viêm gan cấp tính thường có thể điều trị tại nhà và khỏi hoàn toàn sau ba đến bốn tháng. Một số trường hợp nặng sẽ kéo dài sáu tháng đến nhiều năm. Viêm gan cấp tính thường lây lan qua đường tiêu hoá như tiếp xúc với thực phẩm, nguồn nước bẩn.
Viêm gan mãn tính: Thời gian phát bệnh dài và khả năng phục hồi lâu. Trong một số trường hợp, người bị viêm gan mãn tính có thể chuyển sang xơ gan rồi ung thư gan nếu không điều trị kịp thời. Viêm gan mãn tính thường truyền nhiễm qua đường máu và sinh lý.
NHỮNG ĐIỀU CẦN CHÚ Ý KHI SỐNG CÙNG NGƯỜI BỊ CÁC BỆNH VIÊM GAN VIRUS
Bệnh viêm gan A lây qua đường tiêu hóa nên rất dễ lây. Bệnh dễ lây nhất một vài tuần lễ trước khi bệnh nhân có những triệu chứng của bệnh viêm gan cấp tính. Một khi da và mắt trở nên vàng, bệnh không còn truyền nhiễm nữa. Tiếp xúc với người bệnh trong lúc này không còn “nguy hiểm” nữa. Nói một cách khác, bệnh chỉ dễ lây trong thời gian ủ bệnh (khi bệnh nhân vẫn hoàn toàn khỏe mạnh).Và bệnh viêm gan A có thể phòng bệnh bằng cách chích ngừa.
Bệnh viêm gan B lây qua máu và sinh lý, nên khó lây hơn bệnh viêm gan A. Thuốc chích ngừa viêm gan B rất hiệu nghiệm, và an toàn nên chúng ta cần chích ngừa càng sớm càng tốt. Ngay cả những phụ nữ trong lúc đang có thai, nếu chưa được miễn nhiễm cũng nên chích ngừa. Ðiều này có thể tránh được tình trạng bị viêm gan B cấp tính trong thời gian “nguy hiểm” này. May mắn thay, đa số phụ nữ trong thời kỳ thai nghén, nếu chẳng may, bị bệnh vi khuẩn viêm gan B cấp tính, vẫn có thể “lướt” qua một cách dễ dàng và bệnh không trở nên nặng hơn nếu so với người bình thường không mang thai.

Không nên giao hợp trong lúc người bệnh viêm gan C đang có kinh kỳ. Nếu người phụ nữ viêm gan C đang có kinh, sau khi tắm xong, họ nên “dội” nhiều nước để rửa sạch một số máu nhỏ có thể dính dưới sàn nhà. Nếu muốn, bạn có thể dùng một số xà-bông lau nhà hoặc thuốc sát trùng để khử trùng sau khi bước ra khỏi phòng tắm.
Nên dự trữ một ít găng tay khám bệnh trong nhà, dùng trong trường hợp phải chăm sóc những vết thương của bệnh nhân viêm gan B và C.

Viêm gan B, C, D gần như không bao giờ lây qua mồ hôi và nước bọt, tiếp xúc ngoài da trong đời sống hàng ngày với những bệnh nhân viêm gan B, C và D sẽ không nguy hiểm. Ăn uống chung hoặc chấm chung một chén nước mắm cũng được xem là rất an toàn.
Viêm gan E lây qua thức ăn và nước uống ô nhiễm bởi vi khuẩn. Khác với viêm gan A, bệnh này vẫn có thể tiếp tục lây bệnh trong nhiều tuần lễ, sau khi người bệnh đã phát ra những triệu chứng viêm gan cấp tính. Vì số tử vong cho cả mẹ lẫn bé sơ sinh có thể tăng lên rất cao, nhất là trong 3 tháng cuối cùng của thai nghén, những phụ nữ đang mang thai nên rất thận trọng về vấn đề vệ sinh, nếu trong nhà có người đang bị viêm gan E.
Nguồn ảnh: Internet
BS NGUYỄN THANH BÌNH