Content
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ THOÁT VỊ ĐĨA ĐIỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG
THOÁI VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG LÀ GÌ?
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh tương đối thường gặp trong cộng đồng cũng như trong thực hành lâm sàng. Bệnh xuất hiện liên quan đến việc vận động cơ thể quá mức và hoạt động thể lực nặng.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gặp ở nhiều lứa tuổi khác nhau, song thường mắc nhất là lứa tuổi lao động. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng xảy ra ở nam giới nhiều hơn, đa số là do đặc điểm nghề nghiệp như mang vác nặng, lệch tư thế, sai tư thế… khiến nhân nhầy đĩa đệm thoát khỏi vị trí bình thường, có thể đứt hoặc rách vòng sợi.
Những người mắc thoát vị đĩa đệm ảnh hưởng rất lớn tới năng suất và hiệu quả lao động . Thoát vị đĩa đệm có thể xảy đến ở nhiều vị trí khác nhau của cột sống (cột sống cổ, lưng, thắt lưng, cùng cụt…), nhưng thắt lưng là hay gặp nhất.
NGUYÊN NHÂN
- Thoái hóa sinh học: Tuổi càng cao thì đĩa đệm càng mất nước, dễ bị bào mòn và tổn thương.
- Nghề nghiệp: Nha sĩ, công nhân, văn phòng, nông dân…phải cúi lâu, bê vác nặng đều dễ bị thoái vị.
- Sai tư thế: Tư thế xấu buộc sống quá giới hạn như quá ưỡn, quá khom, vẹo cột sống….
- Chấn thương: Ngã ngồi dập mông xuống đất, tai nạn…khiến bao xơ nứt rách, nhân nhầy thoát ra
- Di truyền: Người có cấu tạo cột sống yếu dễ di truyền sang con cái…
- Chế độ sinh hoạt: Hút thuốc, ăn uống thiếu hoặc thừa chất gây béo phì sẽ ảnh hưởng đến đĩa đệm cột sống.
TRIỆU CHỨNG
Người bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng dẫn đến các triệu chứng sau:
Đau thắt lưng cấp tính
Thường xảy ra khi bị chấn thương hoặc khi gắng sức mang vác, bưng bê vật nặng sai tư thế (chậu hoa, xô nước, cây cảnh…).
Người bệnh bị đau không thể cử động được, thậm chí đi đại, tiểu tiện cũng rất khó khăn trong một thời gian, phải sử dụng thuốc giảm đau, giảm co cơ mới cử động được.

Đau mạn tính
Sau đợt đau cấp tính, về sau mỗi khi thực hiện gắng sức tương tự thì cơn đau lại tái phát. Người bệnh khó mà thực hiện các động tác liên quan đến cột sống như: cúi, nghiêng, ngửa, xoay người.
Khi đã có chèn ép thần kinh, có các triệu chứng đau sẽ lan xuống chi dưới làm cho người bệnh vận động chi dưới khó khăn, cơn đau tăng khi đứng, hắt hơi, đi, rặn, nếu được nằm nghỉ ngơi sẽ đỡ đau hơn.
Để chẩn đoán bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, bệnh nhân cần chụp bao rễ thần kinh và chụp cắt lớp vi tính (CT) với cột sống thắt lưng, tốt nhất là chụp cộng hưởng từ (MRI)
BIỆN PHÁP PHÒNG TRÁNH
Ngay khi còn có thể, bạn hãy nắm rõ những nguyên tắc phòng tránh thoát vị đĩa đệm dưới đây:
- Sinh hoạt, làm việc đúng tư thế: Nâng vật nặng bằng lực của chân, ngồi thẳng lưng và cổ, đứng lên đi lại khi ngồi quá lâu, thay đổi tư thế thường xuyên… là cách giảm tải áp lực cho cột sống của bạn.
- Rèn luyện thể lực: Chăm chỉ tập luyện, thể dục thể thao đúng cách không chỉ giúp phòng ngừa, tăng sự dẻo dai cho xương khớp mà còn hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả.
- Chế độ dinh dưỡng: Phòng tránh thoát vị đĩa đệm bằng cách bổ sung nhiều canxi, vitamin, glucosamine… tránh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm có hại cho xương khớp như thịt đỏ, nội tạng. Nói không với rượu bia, thuốc lá và chất kích thích.
ĐIỀU TRỊ VÀ BIẾN CHỨNG THOÁI VỊ ĐĨA ĐỆM CỘT SỐNG THẮT LƯNG
Điều trị thoát vị đĩa đệm hiện nay chủ yếu là nội khoa, như sử dụng thuốc giảm đau, chống co thắt cơ vân, chống viêm…. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ khám sẽ chỉ định thuốc, bạn không nên tự mua thuốc để điều trị, bởi hầu hết các loại thuốc trị bệnh này đều có tác dụng phụ bất lợi cho một số trường hợp có kèm theo bệnh hen suyễn, dạ dày, tăng huyết áp…
Ngoài ra, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể áp dụng điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu như xoa bóp, dùng sóng radio cao tần, laser, bấm huyệt…
Nếu bệnh nặng không thể điều trị nội khoa, bác sĩ có thể điều trị ngoại khoa nhưng hạn chế tùy theo sức khỏe bệnh nhân.
Nếu không được điều trị đúng, sớm thì thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng. Thường gặp nhất là hiện tượng chèn ép dây thần kinh tọa và rễ thần kinh, gây nên đau nhức, buốt vùng mông, lan dọc theo đùi xuống cẳng chân, ngón chân, mu bàn chân (đặc biệt là đau rát mu bàn chân bên có dây thần kinh tọa bị chèn ép).
Hậu quả của biến chứng này nếu không can thiệp kịp thời là gây teo cơ, hạn chế vận động và đại tiểu tiện khó khăn (do rối loạn cơ tròn). Thậm chí người bệnh có thể phải thụt tháo và thông tiểu.
Nặng nề hơn, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể gây gây liệt, tàn phế, làm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh cũng như gia đình, xã hội. Chính vì vậy phát hiện sớm và điều trị bệnh rất quan trọng để phục hồi chức năng cột sống và vận động bình thường
Nguồn ảnh: Internet
BS NGUYỄN THANH BÌNH