Content
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
Bệnh Tay chân miệng do siêu vi gây ra, tổn thương chủ yếu ở da và niêm mạc dưới dạng bóng nước và hồng ban. Bệnh xảy ra quanh năm, thường có 2 đợt bùng phát từ tháng 3 – 5 và tháng 9 – 12. Gặp nhiều ở nhóm tuổi dưới 5, trẻ càng nhỏ thì nguy cơ bệnh càng nặng.

ĐƯỜNG LÂY NHIỄM BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
- Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người, dễ gây thành dịch do siêu vi đường ruột gây ra. Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71).
- Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hoá. Nguồn lây chính từ nước bọt, bỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh.
NHỮNG DẤU HIỆU GỢI Ý TRẺ BỊ BỆNH TAY CHÂN MIỆNG
- Bệnh do siêu vi gây ra nên biểu hiện ban đầu hơi giống cảm cúm, như khởi phát với các triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày.
- Loét miệng: vết loét đỏ hay phỏng nƣớc đường kính 2-3 mm ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, gây đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt.
- Phát ban dạng phỏng nước: ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông; tồn tại trong thời gian ngắn (dưới 7 ngày) sau đó, có thể để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
KHI NÀO CẦN ĐƯA TRẺ ĐI KHÁM
Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, suy hô hấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời. Nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám ngay khi có các dấu hiệu sau:
- Sốt ngày 2 hoặc Sốt cao liên tục khó hạ (sốt từ 39 độ C không giảm khi uống thuốc hạ sốt)
- Giật mình chới với khi ngủ hoặc thức
- Run tay chân
- Đi đứng loạng choạng không vững (với bé đã đi vững trước đó)
- Nôn ói liên tục không liên quan bữa ăn
- Trẻ lừ đừ, li bì hoặc không tiếp xúc
- Co giật
- Da xanh tái
- Thở mệt
- Bất kỳ lo lắng nào của người thân
CÁCH CHĂM SÓC TRẺ BỊ TAY CHÂN MIỆNG TẠI NHÀ
- Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu, có thể cho ăn hoặc uống hơi lạnh tí có thể đở đau hơn. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị.
- Có thể cho bé dùng một số thuốc hỗ trợ giảm đau miệng như Phosphalugel vì có tác dụng trung hòa acid ở vết loét miệng.
- Khi bé sốt nên mặc quần áo thoáng mát. Hạ sốt khi sốt trên 38.5 độ C với thuốc hạ sốt có hoạt chất Acetaminophen (Paracetamol) với liều 10-15mg/kg/lần uống, cách nhau 4-6 giờ mỗi cữ.
- Cách ly trẻ bệnh trong tuần đầu tiên
- Theo dõi những dấu hiệu nặng
CÁCH PHÒNG BỆNH
- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
- Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi …
- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
- Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Nguồn ảnh: Internet
Bác sĩ NGUYỄN THỊ THU HẰNG