Content
NHỮNG BỆNH THƯỜNG GẶP VÀO MÙA LẠNH VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA
Vào mùa lạnh, thời tiết hanh khô kèm theo các cơn mưa kéo dài, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển làm dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Viêm nhiễm đường hô hấp, bệnh tim mạch, đau khớp, khô da… đặc biệt hay gặp ở người già và trẻ em, do sức đề kháng kém. Hãy cùng VieVie tìm hiểu các bệnh thường gặp vào mùa lạnh.
VIÊM HỌNG
- Viêm họng là một tình trạng nhiễm trùng hô hấp trên, rất thường gặp trong mùa lạnh do nhiễm virus, vi khuẩn, gây ra triệu chứng sốt cao, đau họng, đau đầu. Khi thay đổi nhiệt độ đột ngột, ví dụ như đi từ trong phòng ấm ra ngoài trời lạnh, cũng có thể ảnh hưởng đến cổ họng.

- Biện pháp để khắc phục nhanh chóng và dễ dàng cho bệnh viêm họng là súc miệng bằng nước muối ấm. Súc nước muối không giúp chữa lành nhiễm trùng, tuy nhiên sẽ có tác dụng chống viêm và lạm dịu cổ họng.
VIÊM PHẾ QUẢN
- Viêm phế quản là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới, ban đầu thường do nhiễm virus hô hấp, lây lan trong không khí khi người bệnh ho hay tiếp xúc trực tiếp. Bên cạnh đó, bệnh có thể bị bội nhiễm vi khuẩn, hay gặp nhất là phế cầu, tụ cầu, liên cầu…

- Các triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm sốt, mệt mỏi, ho kéo dài, ho khạc đàm, khò khè, khớ thở, tức ngực.
- Để phòng ngừa bệnh trong mùa lạnh, tốt nhất bạn nên đeo khẩu trang khi ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bẩn, các nguồn không khí ô nhiễm, làm sạch không khí trong nhà bằng máy điều hoá, máy làm ẩm.
HEN SUYỄN
- Không khí lạnh là tác nhân chính gây ra gây ra các triệu chứng hen suyễn như khó thở và khò khè. Những người mắc bệnh hen suyễn nên đặc biệt cẩn thận trong mùa lạnh.
- Nên ở trong nhà vào những ngày trời gió và lạnh.

- Dùng thuốc xịt hàng ngày theo chỉ định và nhớ luôn mang theo thuốc xịt cắt cơn khi ra ngoài. Nếu bạn cẩn sử dụng thuốc xịt cắt cơn nhiều hơn bình thường, cần trao đổi với bác sĩ để điều chỉnh bậc điều trị.
- Giữ ấm cơ thể, đeo găng tay, khăn choàng, đội mũ, che khẩu trang kín mũi miệng khi phải đi ra ngoài, điều này sẽ giúp làm ấm không khí trước khi bạn hít vào.
BỆNH MẠCH VÀNH
- Các cơn đau tức ngực thường xảy ra khi trời lạnh. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh làm co các mạch máu, làm tăng huyết áp, gây tăng áp lực lên tim và đòi hỏi nhu cầu oxy nhiều hơn cho sự hoạt động của tim.

- Vào mùa lạnh, bạn cần tránh ra ngoài khi trời còn lạnh. Đặc biệt là người lớn tuổi, người có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, cần thay đổi thói quen tập thể dục, không nên tập quá sớm, thay vì 4-5h có thể đổi sang 6-7h sáng, hoặc có thể vận động, tập trong nhà.
ĐAU KHỚP
- Khi thời tiết thay đổi, đặc biệt lúc trời trở lạnh, những người mắc bệnh khớp thường cảm nhận rõ hơn tình trạng đau nhức, tê cứng, khó vận động tại khớp. Điều này gây ra những khó khăn trong sinh hoạt và lao động hàng ngày.

- Giữ ấm cơ thể, xoa bóp và vận động các khớp bị đau nhẹ nhàng mỗi ngày, đặc biệt vào sáng sớm sau khi thức dậy, là phương pháp hàng đầu giúp tăng cường lưu thông máu đến các cơ và khớp trong cơ thể, giúp phòng tránh những cơn đau nhức khớp xương diễn tiến nặng.
- Bổ sung các dưỡng chất tốt cho xương khớp, như Omega-3 có trong dầu cá, cá biển và các loại hạt khô. Các nguồn Vitamin A, C, D, E có trong cà chua, ớt chuông, cam quýt… làm chậm quá trình thoái hoá khớp, giảm đau nhức do viêm khớp tái phát vào mùa lạnh.
KHÔ DA
- Một trong những bệnh phổ biến nhất vào mùa lạnh là ngứa ngoài da. Trời lạnh, độ ẩm thấp và thói quen tắm nước nóng khiến da khô, ngứa ngáy, khó chịu.

- Cách phòng tránh bệnh này là hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, nên ăn nhiều hoa quả và rau xanh, uống nhiều nước, bổ sung các loại vitamin A, C, D, E.
- Không nên tắm bằng nước quá nóng.
- Sử dụng dầu dừa, dầu oliu hoặc các loại kem dưỡng ẩm để cung cấp độ ẩm cho da. Thời gian tốt nhất để thoa kem dưỡng ẩm là sau khi tắm, khi da bạn vẫn còn ẩm, và một lần nữa trước khi đi ngủ.
Nguồn ảnh: Internet
BS ĐÀO CAO NHÂN