Content
CÚM VÀ TIÊM NGỪA CÚM
Thời gian gần đây thời tiết chuyển mùa nên các nhóm bệnh do nhiễm siêu vi có xu hướng tăng lên, hiện ở các bệnh viện lớn ở thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện một số bệnh nhân nghi ngờ Cúm. Hãy cùng bác sĩ VieVie tìm hiểu thêm về virus cúm, triệu chứng, cũng như việc tiêm phòng và các đối tượng nguy cơ cao cần tiêm phòng.
VIRUS CÚM LÀ GÌ?
- Virus cúm là 1 loại virus lây lan qua đường hô hấp, các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng
- Virus cúm có 3 type A, B và C . Trong đó cúm A và B gây bệnh ở người. Cúm A do tính chất dễ thay đổi lớp vỏ bọc bên ngoài nên thường xuyên gây bệnh và thành dịch . Cúm B thì mức độ bệnh nhẹ hơn và lây lan thành dịch ít hơn
TRIỆU CHỨNG
- Triệu chứng của bệnh cúm thường khởi phát vài ngày sau khi tiếp xúc với người có triệu chứng cúm, thường từ 1-5 ngày, trung bình là 2 ngày
- Người bệnh thường có các triệu chứng chung của nhiễm siêu vi : sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, kiệt sức ,sổ mũi, đau họng và ho. Ho thường nặng và kéo dài. Một số có thể có kèm theo triệu chứng tiêu hóa như đau bụng , tiêu chảy…
- Thời kỳ lây bệnh: Người bệnh đào thải vi rút khoảng 1-2 ngày trước khi khởi phát và 3-5 ngày sau khi có triệu chứng
Thông thường bệnh thường diễn tiến nhẹ và hồi phục khoảng 3-7 ngày sau bệnh, tùy theo sức đề kháng của bệnh nhân có thể hết sớm hơn. Tuy nhiên trên một số bệnh nhân có suy giảm sức đề kháng, bệnh có thể tiến triển nặng hơn: viêm phổi , suy hô hấp … thậm chí tử vong. Vì thế để tránh ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống công việc đối với người trẻ và ảnh hưởng nặng đến sức khỏe của các đối tượng trên chúng ta nên chủ động tiêm ngừa cúm.
ĐỐI TƯỢNG CẦN TIÊM NGỪA CÚM
- Người lớn từ 60 tuổi trở lên
- Người sống ở các khu tập thể, nhà dưỡng lão, môi trường không khí ẩm thấp dễ bệnh
- Người có bệnh mạn tính: bệnh lý tim mạch , bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn, tiểu đường, suy thận, người nhiễm HIV …
- Phụ nữ có thai trong giai đoạn có mùa cúm (phụ nữ có thai có thể tiêm loại thuốc ngừa chứa virus chết)
- Trẻ em trong vùng dịch cúm từ 6 tháng tuổi trở lên có thể tiêm ngừa. Dưới 6 tháng thì cần bác sĩ khám sàng lọc và quyết định
MỘT SỐ LƯU Ý
- Do mỗi năm virus cúm A thường sẽ thay đổi lớp kháng nguyên bề mặt nên hiệu quả thuốc ngừa thường chỉ có tác dụng trong 1 năm. Các đối tượng nguy cơ cao có thể tiêm nhắc lại hàng năm
- Người tiêm ngừa cúm vẫn có khả năng mắc cúm nhưng mức độ nặng và thời gian bệnh thường nhẹ hơn các đối tượng không tiêm ngừa
- Bạn có thể tiêm ở các trung tâm y tế dự phòng , các phòng khám hoặc bệnh viện có dịch vụ tiêm ngừa …
Cúm là bệnh theo mùa, đặc biệt khi thời tiết chuyển mùa (từ tháng 10 đến tháng 3 năm) thì sẽ nhiều hơn, dễ tạo thành dịch bệnh. Bệnh thường tự khỏi sau 1 tuần, tuy nhiên người ở vùng dịch cúm và một số đối tượng nguy cơ cao bị biến chứng nên được tiêm ngừa để dự phòng bệnh và lặp lại hàng năm.
Nguồn ảnh: Internet
BS CKI Bùi Quốc Việt