Content
BẠN BIẾT GÌ VỀ LOÃNG XƯƠNG
LOÃNG XƯƠNG LÀ GÌ?
Loãng xương là tình trạng rối loạn chuyển hoá của xương dẫn đến tổn thương độ chắc của xương đưa đến tăng nguy cơ gãy xương. Độ chắc của xương bao gồm sự toàn vẹn cả về khối lượng và chất lượng của xương.
TRIỆU CHỨNG LOÃNG XƯƠNG
Loãng xương là bệnh diễn tiến âm thầm không có triệu chứng đặc trưng, chỉ biểu hiện khi đã có biến chứng. Người bệnh có thể không biết mình mắc bệnh cho đến khi xương trở nên yếu, dễ gãy khi gặp những sang chấn nhỏ ví dụ như trẹo chân, va đập hoặc té ngã. Một số triệu chứng của loãng xương thường gặp như:
- Đau nhức: một trong những triệu chứng loãng xương dễ nhận thấy nhất là cảm giác đau dọc các xương dài, đau ở vùng xương chịu gánh nặng của cơ thể như cột sống, thắt lưng, đầu gối… Những cơn đau sẽ tăng lên khi vận động, đi lại, đứng ngồi lâu và sẽ thuyên giảm khi nằm nghỉ
- Giảm mật độ xương khiến xương ở cột sống có thể bị xẹp, gây giảm chiều cao, gù vẹo cột sống, khó thực hiện những tư thế như cúi gập người hoặc xoay hẳn người
- Gãy xương xuất hiện sau chấn thương rất nhẹ, thậm chí không rõ chấn thương
YẾU TỐ GÂY NGUY CƠ LOÃNG XƯƠNG
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến bệnh loãng xương. Một số yếu tố có thể thay đổi được trong khi số khác thì không thể.
Những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi như:
- Giới tính: ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh
- Tuổi tác: độ tuổi càng cao, càng có nguy cơ loãng xương
- Kém phát triển thể chất khi còn nhỏ, đặc biệt người còi xương, suy dinh dưỡng, chế độ ăn thiếu protein, thiếu canxi
- Tiền sử bản thân bị gãy xương hoặc gia đình có cha, mẹ bị loãng xương, gãy xương
- Bị mắc một số bệnh như thiểu năng tuyến sinh dục, cường giáp, cường cận giáp, cường vỏ thượng thận, bệnh thận mạn hoặc phải chạy thận nhân tạo lâu ngày
Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi bao gồm:
- Chế độ ăn ít hoặc thiếu canxi và vitamin D.
- Ít hoạt động thể lực, ít hoạt động ngoài trời
- Có thói quen sử dụng nhiều rượu, bia, café, thuốc lá… làm tăng thải canxi qua đường thận và giảm hấp thu canxi ở đường tiêu hoá
- Sử dụng dài hạn một số thuốc như corticosteroid, heparin, thuốc chống động kinh (Dihydan), thuốc chữa tiểu đường (Insulin)
LOÃNG XƯƠNG CÓ THỂ PHÒNG NGỪA ĐƯỢC KHÔNG?
Bằng cách thay đổi lối sống, chế độ ăn uống, sinh hoạt, nhằm kiểm soát các yếu tố nguy cơ thì hoàn toàn có thể phòng ngừa được bệnh loãng xương như:
- Cung cấp đầy đủ canxi, vitamin D và các dưỡng chất cần thiết chung cho cơ thể trong suốt cuộc đời, theo nhu cầu từng lứa tuổi và tình trạng cơ thể
- Nam giới < 70 tuổi: 1000 mg canxi mỗi ngày
- Nam giới >= 70 tuổi: 1200 mg canxi mỗi ngày
- Nữ giới < 50 tuổi: 1000 mg canxi mỗi ngày
- Nữ giới >= 50 tuổi: 1200 mg canxi mỗi ngày
- Phụ nữ mang thai và cho con bú: 1200-1500 mg canxi mỗi ngày
- Nguồn canxi trong thực phẩm bao gồm sữa, các sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua… hoặc các loại thực phẩm giàu canxi như tôm khô, cua, cá, trứng, đậu phụ, ngũ cốc, nước trái cây hoặc các loại rau lá xanh…
- Duy trì chế độ vận động thường xuyên giúp dự trữ canxi cho xương, tăng sự khéo léo, sức mạnh cơ, sự cân bằng để giảm khả năng té ngã và gãy xương
- Hạn chế một số thói quen: hút thuốc lá, uống nhiều rượu, café, ít vận động…
- Thường xuyên đo loãng xương để kiểm tra mật độ xương
Như vậy có rất nhiều nguyên nhân gây loãng xương, có một số không thể kiểm soát được, nhưng cũng có những nguyên nhân các bạn có thể kiểm soát tốt. Kiểm soát tốt các nguyên nhân đó chính là biện pháp phòng ngừa loãng xương hiệu quả nhất mà các bạn có thể làm.
Nguồn ảnh: Internet
BS ĐÀO CAO NHÂN