Content
DẤU HIỆU CẢNH BÁO BẠN MẮC BỆNH THẬN

Bệnh thận là tình trạng chức năng thận bị suy giảm, khả năng lọc và bài tiết các chất cặn bã bị hạn chế, khiến các độc tố có trong máu không được thoát hết ra ngoài mà tồn đọng lại trong cơ thể. Tình trạng này kéo dài sẽ gây viêm nhiễm đường tiết niệu là nguyên nhân gây ra các bệnh lý khác liên quan đến thận. Bệnh thận có thể diễn tiến âm thầm, hoặc biểu hiện bằng các triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác, khiến người bệnh rất khó nhận biết. Có rất nhiều trường hợp khi phát hiện thì bệnh đã phát triển thành suy thận mạn giai đoạn cuối phải lọc máu (chạy thận nhân tạo). Việc nhận biết bệnh thận ở giai đoạn sớm rất quan trọng, vì khi đó việc điều trị sẽ đơn giản và dễ dàng hơn, khả năng thận hồi phục cũng sẽ cao hơn. Hãy cùng VieVie – Bác sĩ online của bạn tìm hiểu những dấu hiệu cảnh báo bệnh thận.
MỆT MỎI, UỂ OẢI, CHÓNG MẶT, CHOÁNG VÁNG, TRÍ NHỚ KÉM, KHÓ TẬP TRUNG

Khi chức năng thận bị suy giảm nặng có thể dẫn đến sự tích lũy các chất thải, chất độc trong máu, kèm theo đó là biến chứng thiếu máu đến não và các cơ bắp. Điều này có thể khiến cho người bệnh thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng, chóng mặt, đôi khi muốn ngất xỉu, mau quên.
CẢM THẤY LẠNH TRONG NGƯỜI, ĐÔI KHI LẠNH RUN

Biến chứng thiếu máu trong suy thận có thể khiến bạn lúc nào cũng cảm thấy lạnh, dù cho môi trường xung quanh đang rất ấm áp.
KHÓ THỞ, THỞ DỐC, CẢM THẤY HỤT HƠI – SAU KHI LÀM CÁC CÔNG VIỆC NHẸ NHÀNG THƯỜNG NGÀY
Khi suy thận tiến triển, có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: lượng dịch dư thừa trong cơ thể tràn vào trong phổi và thiếu máu.
DA KHÔ VÀ NGỨA

Đây có thể là một dấu hiệu của bệnh về xương và chất khoáng, thường xuất hiện trong bệnh thận giai đoạn tiến triển.
SƯNG PHÙ MẶT, XUNG QUANH MẮT HOẶC QUANH MẮT CÁ CHÂN, BÀN CHÂN

Chức năng thận suy giảm có thể dẫn đến hiện tượng giữ muối giữ nước trong cơ thể, dịch tích tụ quá nhiều sẽ gây phù.
CHÁN ĂN, RỐI LOẠN VỊ GIÁC, CẢM GIÁC CÓ VỊ KIM LOẠI TRONG MIỆNG
Các chất dư thừa tích tụ trong máu (còn gọi là hội chứng urê huyết cao) có thể làm vị giác thay đổi và hơi thở có mùi tanh khai. Ngoài ra bạn có thể sẽ cảm giác không muốn ăn thịt, hoặc sụt cân do chán ăn.
BUỒN NÔN, NÔN ÓI
Do tích tụ các chất dư thừa trong máu, hậu quả là dẫn đến chán ăn, sụt cân.
CẢM GIÁC MẮC TIỂU THƯỜNG XUYÊN HƠN, ĐẶC BIỆT LÀ VÀO BAN ĐÊM
Thận có chức năng tạo nước tiểu, khi chức năng thận suy giảm thì nước tiểu sẽ thay đổi. Bạn có thể sẽ cảm thấy mắc tiểu thường xuyên hơn; hoặc lượng nước tiểu nhiều hơn bình thường, nước tiểu nhạt màu; hoặc tiểu gấp (cảm giác rất mắc tiểu phải chạy vào nhà vệ sinh ngay lập tức, nhưng sau đó chỉ tiểu được vài giọt, dòng nước tiểu yếu, hoặc phải rặn để tiểu). Tuy nhiên, đây cũng có thể là một dấu hiệu của nhiễm trùng tiểu hoặc phì đại tiền liệt tuyến ở nam giới.
NƯỚC TIỂU CÓ BỌT, THƯỜNG PHẢI XẢ NƯỚC VÀI LẦN MỚI LÀM SẠCH ĐƯỢC CHÚNG

Đây là dấu hiệu cho thấy có protein trong nước tiểu, xảy ra khi màng lọc của thận bị tổn thương.Nước tiểu có màu nâu hoặc đỏ.
Thận khỏe mạnh khi thực hiện chức năng lọc sẽ giữ lại các tế bào máu trong cơ thể. Nhưng khi màng lọc của thận bị tổn thương, các tế bào máu này có thể lọt qua màng lọc và thải ra ngoài cùng với nước tiểu, làm cho nước tiểu có màu nâu hoặc đỏ.

Các dấu hiệu trên có thể gặp trong bệnh thận cũng như nhiều bệnh lý khác, để đưa ra một chẩn đoán chính xác là điều không hề đơn giản. Do đó, nếu bạn có bất cứ dấu hiệu nào như trên, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn hướng xử trí và theo dõi hợp lý nhé.
Nguồn ảnh: Internet
BS. Vương Mỹ Dung